ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó hàng năm cần một lượng phân bón rất lớn. Do đặc thù của ĐBSCL là canh tác tới 3 vụ lúa/năm, bên cạnh đó nhiều nông dân trồng rau màu quanh năm và canh tác hàng trăm ngàn héc-ta vườn cây ăn trái... vì vậy lúc nào cũng cần phân bón. Tuy nhiên, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường khiến nông dân vô cùng lo lắng, bởi vừa mất tiền, vừa ảnh hưởng đến cây trồng...
Ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân bón của các công ty uy tín sản xuất…
Tràn ngập phân bón… giả
Vào khoảng 20 giờ 30 ngày 17-2, các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Cần Thơ kiểm tra 2 kho chứa phân bón tại thị trấn Thới Lai (TP.Cần Thơ), phát hiện hàng trăm tấn phân bón mang nhãn hiệu nước ngoài đang được cất giữ, nhưng không rõ xuất xứ nguồn gốc, trong đó có rất nhiều số lượng phân bón đã hết hạn sử dụng. Cũng tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình đầy đủ các hóa đơn chứng từ liên quan theo quy định. Các ngành chức năng huyện Thới Lai cho biết, rất bất ngờ khi lực lượng công an phát hiện một lượng lớn phân bón không rõ nguồn gốc ở cơ sở này. Đây là một trong những cơ sở kinh doanh khá lớn và được nhiều nông dân trong huyện Thới Lai tới mua phân bón trong nhiều năm qua.
Cùng nỗi lo trên, ông Lê Văn Năm, ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, bộc bạch: “Hồi vụ lúa Hè thu vừa qua, gia đình tôi đi mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở đại lý quen trong huyện. Do là chỗ “mối” nhiều năm nên hễ tới mùa vụ là cứ ra mua phân bón dạng gối đầu, đến khi thu hoạch lúa mới thanh toán tiền. Thật tình thì bằng mắt thường nên nông dân không thể nào phân biệt được đâu là phân bón giả, kém chất lượng. Mãi đến khi thu hoạch lúa năng suất thấp, hạt lép nhiều, chất lượng lúa kém… thì mới “nghi ngờ” đã sử dụng nhầm phân bón giả ?”. Thực tế cho thấy thời gian gần đây, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện khá nhiều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh khiến nông dân điêu đứng. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, trong 8 tháng đầu năm 2015, đã thực hiện kiểm tra 54 cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, qua đó phát hiện 24 trường hợp vi phạm. Ngành chức năng xử phạt khoảng 422 triệu đồng.
Tại tỉnh Đồng Tháp, nơi sản xuất hơn 3 triệu tấn lúa mỗi năm nên nông dân sử dụng lượng phân bón khá lớn và tình trạng phân giả cũng làm nhiều người hoang mang. Ở huyện Tân Hồng, lực lượng công an huyện phát hiện 100 bao phân Kali giả (loại 50kg), của một cơ sở mua bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại xã Tân Công Chí. Kết quả giám định cho thấy, hàm lượng Kali chỉ có 0,03% (hàm lượng ghi trên bao bì là 61%), còn lại là cát trắng và phẩm màu… Tại tỉnh Hậu Giang, tình trạng phân bón giả cũng luôn “nóng”, mặc dù mỗi năm các ngành chức năng kiểm tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc.
Mạnh tay xử lý
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nhìn nhận: “Phân bón giả, kém chất lượng là mối lo của nông dân và cả những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, bởi nó làm ảnh hưởng uy tín chung, tổn hại cho lĩnh vực phân bón và nền sản xuất nông nghiệp. Vì thế, tỉnh Trà Vinh đã và đang quyết liệt kiểm tra, xử lý mạnh tay nạn phân bón giả”. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận: “Thực trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Đa phần sản phẩm giả, kém chất lượng được các đối tượng lợi dụng đưa về các xã vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Nơi mà người dân chưa đủ kiến thức và điều kiện để nhận biết. Mặt khác, phân bón giả, chất lượng kém thường được khuyến mãi với những chiêu trò giảm giá để đánh vào tâm lý của người dân. Thế là, những nông dân nào chuộng giá rẻ thường dễ bị… sập bẫy”.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hậu quả của việc sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỉ USD/năm. Cả các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín cũng đang đau đầu vì tình trạng sản phẩm có uy tín bị làm nhái. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, khuyến cáo: “Cùng với việc kiểm tra của ngành chức năng thì các hộ nông dân nên chọn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở những đại lý uy tín, tránh mua hàng trôi nổi, giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, trong quá trình bón phân, phun xịt thuốc… nếu phát hiện cây, con chết bất thường thì báo ngay cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương biết để chính quyền và ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, dù ngành chức năng quyết liệt kiểm tra, xử lý nhưng việc tuyên chiến với nạn phân bón giả, kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, lực lượng mỏng, trong quá trình kiểm tra rất vất vả, thậm chí cán bộ bị hăm he, bị kẻ gian đánh trọng thương… Rồi trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại phân bón, khoảng 6.000 tên phân bón và hơn 3.700 tên thuốc… nên không thể hình dung nổi và khó quản lý. Bên cạnh đó, có trường hợp khi lấy mẫu phân đầu tiên là giả, nhưng lần thứ hai thì đạt chất lượng - đây là một bất cập. Mặt khác, việc xử phạt hành chính còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe”.
Để ngăn chặn nạn phân bón giả, kém chất lượng cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của ngành chức năng, sự hợp tác của người dân, chính quyền địa phương… Đồng thời, phải làm thường xuyên, liên tục và xử lý thật nặng thì mới mong giảm thiểu phân bón giả. “Chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xem xét chế tài mạnh hơn đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, như rút giấy phép… Phía Sở Công thương tỉnh Trà Vinh khi phát hiện những đơn vị sản xuất giả, kém chất lượng thì gửi văn bản đến Sở Công thương các tỉnh có công ty vi phạm để phối hợp xử lý tận gốc”, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nói.