Sáng ngày 5/11/2022, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Các đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, HTX, các trang trại trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn rất ít; việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; hiện tại, mới có khoảng 25% sản phẩm được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, còn lại được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. Người sản xuất vẫn còn bị động trong sản xuất, thiếu thông tin thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”...
Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo kết quả tại Hội nghị.
Trước thực trạng nêu trên, đòi hỏi phải có sự kết nối cung - cầu nhằm giúp các đơn vị sản xuất chủ động được chất lượng, sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, giảm chi phí qua các khâu trung gian, hạn chế rủi ro, ổn định giá cả, đầu vào - đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Hội nghị kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 là nội dung quan trọng để thực hiện chủ trương khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi gắn với an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.
Tham luận tại hội nghị, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các ngành, doanh nghiệp, HTX đã chia sẻ các vấn đề đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mở rộng thị trường các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa; vai trò của các ngành, HTX, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, hàng hóa an toàn, đạt chất lượng và tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại…
Các tập thể vinh dự được nhận Bằng khen tại hội nghị.
Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang trân trọng cảm ơn đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lãnh đạo các sở, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Trị về tham dự và phát biểu tại hội nghị. Đồng thời, cảm ơn các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, các siêu thị, doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; thời gian tới, đồng chí lưu ý các sở, ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP. Làm tốt vai trò cầu nối, đưa sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm, các hội nghị, tọa đàm cũng như các hoạt động ký kết thỏa thuận, hợp tác, buôn bán... kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại.
Các cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen tại hội nghị.
Tăng cường công tác quản lý công tác quản lý Nhà nước về bếp ăn tập thể đảm bảo thực phẩm sử dụng trong các các bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ; phới hợp với các đơn vị liên quan để kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho các doanh nghiệp, Hợp xã và nông dân trong tỉnh. Tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm; lồng ghép các hoạt động cung - cầu vào các chương trình, đề án, kế hoạch để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, quảng bá giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu bế mạc hội nghị.
Đẩy mạnh giới thiệu về các mô hình tốt, các tổ chức cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai kết quả kiểm tra và các hành vi, vi phạm quy định về VSATTP để nhân dân biết, phòng tránh. Các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân; phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.
Các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, chủ động tiếp cận với các đối tác có các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay để thiết lập kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các đơn vị ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
Cũng tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; 5 đơn vị đã ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, tặng hoa chúc mừng 5 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021 và năm 2022.
Khai thác từ Trang thông tin điện tử UBND tỉnh Thanh Hóa bởi Phòng Hành chính, tổng hợp