Ngày 19/11/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Đông năm 2016- 2017 và triển khai Phương án sản xuất vụ Chiêm Xuân năm 2017. Chủ trì Hội nghị: Đồng chí Lê Như Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở; đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở. Tham dự Hội nghị có: Đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, Cục Thống kê, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh, Hội giống cây trồng và vật tư Nông nghiệp tỉnh; Đại diện Lãnh đạo UBND, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố; Về phía Sở NÔng nghiệp và PTNT có: Các PGĐ Sở phụ trách các lĩnh vực liên quan; đại diện lãnh đạo Phòng Trồng trọt, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra, Văn phòng Sở; Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm NC ƯDKHKT giống cây trồng NN tỉnh; Dự với Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi: Sông Chu, Nam Sông Mã, Bắc Sông Mã và một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất trồng trọt tại Thanh Hóa; Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nông nghiệp Việt Nam dự và đưa tin.
Hội nghị đã đánh giá sản xuất vụ Đông năm 2016-2017 diễn ra trong điều kiện vụ lúa mùa thu hoạch muộn hơn so với thường kỳ khoảng 10 ngày, mùa mưa kết thúc muộn hơn, 2 đợt mưa từ ngày 09-15/9/2016 và từ ngày 20-23/9/2016 làm tiến độ thu hoạch lúa mùa chậm và khó khăn cho việc làm đất, gieo trồng các loại cây vụ đông ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương, ớt,... Tuy vậy, diện tích gieo trồng các loại cây vụ đông được mở rộng và đạt cao hơn so cùng kỳ, nhất là cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa là do có sự tích cực trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất vụ đông của Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương và cố gắng nổ lực của nông dân trong toàn tỉnh.
Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố đến ngày 17/11/2016, toàn tỉnh gieo trồng 48,061 ha, đạt 96,1% KH, tăng 15,4% (5,585 ha) so CK. Trong đó: khu vực 11 huyện miền núi 10.269 ha, đạt 93,8% KH; khu vực đồng bằng gồm 8 huyện, thị xã Bỉm Sơn và TP.Thanh Hóa 23.696 ha, đạt 94,2% KH; khu vực ven biển gồm 5 huyện và TX Sầm Sơn 14.096 ha, đạt 101,4% KH. Diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính: ngô 19.848 ha, đạt 99,4% KH, tăng 706 ha so CK; lạc 1.706 ha, đạt 170,6% KH, tương đương CK; đậu tương 1.942 ha, đạt 67,7% KH, giảm 75 ha so CK; khoai lang 4.027 ha, khoai tây 525 ha, ớt 1.937 ha, rau đậu các loại 14.831 ha, cây trồng khác 1.517 ha.
Nhiều huyện có diện tích sản xuất vụ đông lớn, có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như Yên Định 5.811 ha (100,2% KH), Hoằng Hóa 4.330 ha (100,7% KH), Nga Sơn 1.750 ha (109,3% KH), Bá Thước 1.114 ha (114,4% KH), Như Thanh 1.100 ha (108,6% KH), Hậu Lộc 2.622 ha (100,8% KH), Thọ Xuân 5.370 ha,…
Một số huyện chưa đạt chỉ tiêu diện tích gieo trồng cây vụ đông so với kế hoạch, như Thiệu Hóa 93,6%, Đông Sơn 89,7%, Triệu Sơn 84,8%, Nông Cống 93,7%, Hà Trung 91%, TP.Thanh Hóa 82,6%, Ngọc Lặc 82,4%, Thạch Thành 79,4%, Như Xuân 73,7% so kế hoạch,…
Các huyện nằm trong kế hoạch được hưởng kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ bằng các hình thức như mua giống cấp trực tiếp cho nông dân, hoặc cấp ứng kịp thời tiền hỗ trợ cho nhân dân mua giống. Ngoài chính sách của tỉnh, nhiều huyện đã có thêm chính sách hỗ trợ sản xuất như Triệu Sơn hỗ trợ công tác chỉ đạo 300 nghìn đồng/ha, hỗ trợ thuê, góp đất có diện tích từ 3 ha trở lên, hỗ trợ các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm 2 triệu đồng/ha; Nga Sơn hỗ trợ trồng dưa hấu 25 triệu đồng/ha, hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp làm nhà lưới; Yên Định hỗ trợ thêm giống ngô, đậu tương 400 nghìn đồng/ha, thưởng cho thôn hoàn thành kế hoạch; Ngọc Lặc hỗ trợ sản xuất tập trung 3 ha trở lên 3 vụ/năm 500.000đ/ha, nếu trồng tập trung từ 5 ha trở lên thưởng cho thôn từ 500.000-800.000 đồng/ha; Hậu Lộc thưởng cho các đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch,...
Diện tích ngô đông trên đất 2 lúa được hưởng chính sách của tỉnh dự kiến đạt 8.850 ha; diện tích đất được các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê để sản xuất vụ đông đạt khoảng 800 ha. Đây là chủ trương chính sách mới, được các doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng, tuy nhiên do thời gian gấp rút nên nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách nhưng chưa triển khai được.
Sản xuất vụ Đông 2016-2017 đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan: diện tích gieo trồng cao hơn cùng kỳ; cơ cấu cây trồng đa dạng và gắn với thị trường; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm; điều kiện thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển; nông dân chăm sóc tốt nên hầu hết các cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; cây ngô đang trỗ cờ phun râu, đậu tương, cây lạc đang ra hoa kết quả, một số cây đã cho thu hoạch, như ớt, rau ăn lá, ngô làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối vụ thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo rét đến sớm thường kỳ, hạn có thể xảy ra; một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại; thị trường, giá cả có thể biến động, ...
Về quả sản xuất vụ Chiêm Xuân năm 2015-2016
Thời tiết vụ Chiêm Xuân năm 2015-2016 rất khắc nghiệt, đầu vụ nắng ấm, đến thời vụ cấy gặp rét đậm, rét hại kéo dài và mưa bất thường (đợt rét lịch sử từ ngày 22-28/01/2016) nhiệt độ xuống thấp có nơi từ 6-80C, kèm theo mưa lớn làm thiệt hại gần 30.000 ha lúa, trên 1.000 ha mạ xuân muộn bị chết; UBND tỉnh và các huyện đã cấp ứng hỗ trợ giống kịp thời, các địa phương và nông dân trong toàn tỉnh đã có nỗ lực để gieo cấy đảm bảo diện tích trong khung thời vụ phù hợp.
Tổng diện tích gieo trồng được 216.228 ha, đạt 99,6% KH và 98,3% so CK; sản lượng lương thực 869.977 tấn, đạt 103,5% KH và 99,5% so CK. Trong đó: Lúa 123.454 ha, đạt 105,5% KH và 99,1% CK; năng suất 64,4 tạ/ha, đạt 101,4% KH và 102,2% CK; sản lượng 795.305 tấn, đạt 107% KH và 101,3% CK. Lúa chất lượng cao 24.500 ha, bằng 20% tổng diện tích lúa, tăng 15,8% so CK.Rau đậu 11.737 ha, tăng 103,6 ha so CK, nhất là các cây có giá trị cao như ớt, khoai tây, ngô đường; lạc 9.341 ha, sản lượng 20.168 tấn; hoa cây cảnh 525,9 ha; ngô dầy, cỏ và ngô dày làm thức ăn chăn nuôi là 1.976 ha, ...
Cơ cấu mùa vụ tiếp tục có chuyển biến tích cực: Diện tích trà lúa xuân muộn đạt 104,9 nghìn ha tương đương 85% tổng diện tích gieo cấy. Vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng hiệu quả cao duy trì 62.132 ha; trong đó đã đưa vào 21.183 ha diện tích lúa chất lượng cao, tăng 3.317 ha so CK. Diện tích sản xuất giống lúa thuần 1.236 ha; giống lúa lai F1 204,5 ha; giống ngô lai F1 là 100 ha; diện tích ngô thâm canh đạt 6.668 ha, tập trung tại các huyện: Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc.
Toàn tỉnh chuyển đổi được 3.367,8 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi cá; cụ thể: chuyển sang trồng 975 ha ớt, 650 ha thuốc lào, 448 ha rau, 477 ha ngô, 134 ha lạc, 128 ha khoai tây, 100 ha ngô dày làm thức ăn chăn nuôi, 80 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, còn lại là các loại cây trồng khác như hoa cây cảnh, cây ăn quả, dưa hấu, cà gai, ...
Liên kết sản xuất: toàn tỉnh tổ chức thực hiện 42 mô hình liên kết với tổng diện tích các loại cây trồng là 11.850,6 ha; cụ thể: liên kết sản xuất 1.236 ha giống lúa thuần, 350 ha lúa lai F1, 100 ha ngô lai F1, 393 ha lúa thương phẩm, 1001 ha ớt, 165 ha khoai tây và các loại cây trồng khác như mía, nghệ, gừng, lúa nếp, cà gai, rau, ngô đường, bí đỏ, chuối, cây thức ăn chăn nuôi.
Các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh cây trồng được các địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo; công tác hướng dẫn, thông tin các giải pháp phòng trừ sâu bệnh cho nông dân được thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả rõ nét, toàn tỉnh đã tiết kiệm được khoảng 150 tỷ đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật; lợi nhuận sản xuất tăng do hạ giá thành sản xuất (lợi nhuận sản xuất/tổng thu nhập đối với lúa đạt 45-55%, ngô 40-50 %, rau quả các loại 120-600%, lạc 45%)
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được triển khai làm cơ sở nhân ra diện rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
* Một số tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2015-2016 vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là:
- Trong chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, nhất là việc chỉ đạo thời vụ gieo trồng; một số huyện chỉ đạo gieo cấy đúng lịch thời vụ chưa quyết liệt, còn hiện tượng gieo cấy sớm hơn quy định.
- Một số địa phương chưa nắm chắc tình hình sản xuất tại cơ sở nên báo cáo tiến độ sản xuất, tình hình thiệt hại cây trồng trong đợt rét chưa chính xác, chưa kịp thời gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành.
- Ngoài một số cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định được sản xuất với quy mô diện tích lớn, vẫn còn nhiều cây trồng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững; phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp còn hạn chế.
- Nhiều mô hình tổ chức sản xuất trồng trọt, mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở có ý kiến kết luận như sau:
1.Sản xuất vụ Đông năm 2016-2017
- Thời vụ trồng rau các loại cây ưa lạnh vụ đông vẫn còn, đối với các huyện đã hoàn thành kế hoạch gieo trồng thì phấn đấu vượt kế hoạch; đối với các huyện chưa đạt chỉ tiêu gieo trồng cây vụ đông, tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông, trong đó lưu ý các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước và thu hoạch; lưu ý phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh như sâu đục thân ngô, sâu đục quả đậu tương, bệnh thán thư trên ớt, héo rũ trên dưa, các loại sâu ăn lá trên rau đậu, ...
- Quan tâm chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm cây trồng với các HTX và nông dân. Kiểm tra, nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chính sách, giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định số 3602/QĐ-UBND, ngày 16/9/2016.
- Khẩn trương thu hoạch nhanh gọn các loại cây vụ đông khi chín nhằm đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện giải phóng đất để gieo trồng vụ Chiêm Xuân; làm tốt công tác sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
2. Vụ Chiêm Xuân năm 2015-2016
VềThuận lợi, Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại quyết định số 287-QĐ/TU ngày 27/5/2016. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, tỉnh và huyện đã được ban hành, nhất là nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi và tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sản xuất và tạo thêm động lực cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các chương trình, dự án đầu tư phục vụ sản xuất, nhất là các công trình thuỷ lợi, giao thông nội đồng đã và đang được xây mới, cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng ngày càng có hiệu quả...
Một số khó khăn: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây khó khăn lớn cho sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2016-2017. Hạn cục bộ có thể xảy ra, ảnh hưởng đến một số vùng cuối kênh, vùng tưới bằng hồ đập và một số khu vực trạm bơm lẻ. Sâu bệnh hại cây trồng diễn biến phức tạp, đa dạng; đặc biệt là đối tượng nguy hiểm thường làm giảm năng suất và có nguy cơ phát sinh thành dịch như bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy nâu,...Tình hình hội nhập khu vực và thế giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp. Giá cả hầu hết các loại nông sản còn thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn nên chưa tác động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta...
Để đạt được mục tiêu kế hoạch, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị nhằm tổ chức thực hiện phương án sản xuất vụ Chiêm xuân đạt kết quả cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các loại vật tư nông nghiệp thuộc ngành quản lý; phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài PTTH tỉnh thường xuyên mở các chuyên mục, chuyên trang phổ biến cơ cấu cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao:
+ Trung tâm Khuyến nông thực hiện tốt công tác hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; tập trung triển khai xây dựng các mô hình trình diễn; tổng kết, phổ biến các mô hình có hiệu quả kinh tế để nhân rộng trong sản xuất.
+ Chi cục Thuỷ lợi xây dựng và thực hiện phương án tưới, tiêu phù hợp, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, báo cáo, tham mưu lãnh đạo Sở kịp thời để chỉ đạo.
+ Chi cục Bảo vệ thực vật xây dựng và thực hiện phương án phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, an toàn. Thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của các loại sâu bệnh; dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh để chủ động chỉ đạo phòng trừ hiệu quả; làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, đảm bảo có đủ các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Báo cáo, tham mưu lãnh đạo Sở các trường hợp sâu, bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại nặng để chỉ đạo kịp thời.
+ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp: Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp tiếp tục thu thập, tuyển chọn, đề xuất đưa vào sản xuất các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng trên địa bàn tỉnh.
- UBND huyện, thị xã, thành phố:Xây dựng phương án sản xuất vụ Chiêm Xuân 2016-2017 phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tập trung chỉ đạo các giải pháp để hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
+ Chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng tối đa diện tích trà Xuân muộn, gieo cấy đúng thời vụ và áp dụng đồng bộcác biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
+ Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Chỉ đạo cung ứng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng; tổ chức tốt các dịch vụ nước tưới và cơ giới hóa, … khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với địa phương xây dựng mô hình sản xuất lớn và hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
+ Chỉ đạo hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Quan tâm chỉ đạo các mô hình sản xuất ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, làm cơ sở nhân ra diện rộng. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản.
+ Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, Trung ương theo đúng quy định; tùy theo điều kiện của từng địa phương có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất, quan tâm đến các các hộ thuộc diện khó khăn, hộ nghèo.
+ Phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất. Thành lập các Ban Chỉ đạo sản xuất, xây dựng phương án cụ thể để chủ động khắc phục khó khăn, bất thường có thể xảy ra trong sản xuất như mưa lớn, lụt bão, dịch hại cây trồng, ...
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống, vật tư, thiết bị và các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh:Trên cơ sở mục tiêu và các giải pháp thực hiện phương án sản xuất vụ Chiêm Xuân 2016-2017, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của sản xuất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất phát triển; tham gia liên kết, đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo mô hình chuỗi giá trị, nhất là các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư cần có các giải pháp và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Đề nghị các ngành liên quan, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan thông tin đại chúng:Theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện các chương trình, phương án, kế hoạch được UBND tỉnh giao; tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất vụ Chiêm Xuân 2016-2017 giành thắng lợi toàn diện.